Đề tài: “Xây dựng cơ sở dữ liệu GIS về khoáng sản tỉnh Bình Định” là đề tài Khoa học cấp tỉnh được Sở Khoa học và Công Nghệ phối hợp với Trường Đại học Khoa học Huế xây dựng và đưa vào hoạt động giai đoạn thử nghiệm. Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức Tập huấn sử dụng sản phẩm của đề tài cấp tỉnh nêu trên.
Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức Tập huấn sử dụng sản phẩm của Đề tài: “Xây dựng cơ sở dữ liệu GIS về khoáng sản tỉnh Bình Định”
            Ngày 01/7/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với trường Đại học Khoa học Huế đã tổ chức Tập huấn sử dụng sản phẩm của Đề tài: “Xây dựng cơ sở dữ liệu GIS về khoáng sản tỉnh Bình Định”. Tham gia buổi tập huấn có đại diện các sở ngành liên quan và Phòng Tài nguyên và Môi trường 11 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
          Tại buổi tập huấn, Ban chủ nhiệm Đề tài đã phổ biến các nội dung chính của Đề tài. Theo đó Ban chủ nhiệm Đề tài đã xây dựng được bộ CSDL gồm dữ liệu không gian và dữ liệu phi không gian. Dữ liệu không gian chứa đựng các thông tin về vị trí, hình dạng của các nhóm dữ liệu: nền địa lí, địa chất, hiện trạng hoạt động khoáng sản và quy hoạch, là các bản đồ đã được chuẩn hóa, đã được tích hợp thành bản đồ nền cho website. Dữ liệu phi không gian (dữ liệu thuộc tính) là dữ liệu diễn tả đặc tính, số lượng, mối quan hệ của các hình ảnh bản đồ với vị trí địa lý của chúng. Phần mềm quản trị hệ thống CSDL GIS khoáng sản Bình Định được xây dựng với tính chất là một hệ thống mã nguồn mở, đáp ứng được yêu cầu nâng cấp, cập nhật, vận hành và cung cấp khả năng khai thác thông tin đầy đủ từ CSDL GIS về khoáng sản của tỉnh, sẽ là công cụ đắc lực phục vụ cho công tác quản lý chuyên môn về tài nguyên khoáng sản của tỉnh ta như: thông tin điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; thông tin về Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản; thông tin về khu vực thăm dò; thông tin về khu vực cấm hoạt động khoáng sản; thông tin trường dữ liệu về cấp phép khai thác khoáng sản; các khu vực đã đóng cửa mỏ. Đồng thời là cơ sở khoa học cho việc xây dựng các CSDL tương tự về tài nguyên thiên nhiên ở những lĩnh vực khác nhau.
          Sau một thời gian sử dùng thử, các cán bộ tham gia tập huấn đánh giá chung về sản phẩm website và phần mềm của đề tài có CSDL của đề tài đầy đủ, phong phú, đáp ứng được yêu cầu cho công tác quản lý của đơn vị chuyên môn; giao diện trang web đơn giản, tương đối đẹp, đầy đủ các modun, các chức năng, đặc biệt là chức năng tìm kiếm các hông tin  về khoáng sản Bình Định, rất thuận lợi; tìm kiếm trên web dễ dàng, thuận lợi; đăng nhập dữ liệu vào CSDL dễ dàng.
Tuy còn một số dữ liệu không gian chưa được hoàn thiện như mong muốn nhưng tại buổi tập huấn, Ban chủ nhiệm Đề tài đã tích cực hướng dẫn cho các nhà quản lý và công chức quản lý tài nguyên khoáng sản tham gia buổi tập huấn nắm bắt, bước đầu vận hành được ứng dụng của đề tài trong phạm vi quản lý đơn vị, địa phương mình.

Nguồn tin: Phan Ngọc Diễn - PKS