Vừa qua, UBND tỉnh Ban hành Quyết định số 4521/QĐ-UBND về việc Ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính” trên địa bàn tỉnh.
Ảnh minh họa (s/t)
         Với mục tiêu triển khai đầy đủ, hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu và nội dung nhiệm vụ của Đề án “Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 gắn với công tác triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về cải cách hành chính, trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2020 – 2025 và Kế hoạch thực hiện Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử trên địa bàn tỉnh.
         Theo đó, mục tiêu cụ thể trong năm 2022, phối hợp với Bộ, ngành hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm xã hội và đất đai với hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Một cửa các cấp, hoàn thành việc triển khai sử dụng hóa đơn, chứng từ điện tử được tích hợp vào Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh tại 100% Bộ phận Một cửa các cấp; Triển khai công tác số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính và phấn đấu đạt tối thiểu tương ứng 50%, 40%, 35% đối với kết quả thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp; Tối thiểu 80% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến; Giảm thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Một cửa các cấp xuống trung bình còn tối đa 30 phút/ lần giao dịch. Phấn đấu đến hết năm 2022, mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 85%,...
         Giai đoạn 2023 – 2025, tiếp tục thực hiện quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ,…theo tỷ lệ tăng mỗi năm tối thiểu 30% cho đến khi đạt 100%;tăng tỷ lệ số hóa, ký số và lưu trữ điện tử mỗi năm tăng thêm 20% và cho đến khi đạt tỷ lệ 100%;phấn đấu đạt tỷ lệ 80% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính; Tỷ lệ người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trên môi trường điện tử phấn đấu đạt tối thiểu 50% so với tổng số hồ sơ tiếp nhận; tối thiểu từ 80% trở lên hồ sơ giải quyết trong nội bộ giữa các cơ quan có thẩm quyền; 100% hồ sơ thủ tục hành chính đã giải quyết thành công được số hóa, lưu trữ. Phấn đấu đến năm 2025 mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đạt tối thiểu 90%. Trong đó, mức độ hài lòng về giải quyết các thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai,... đạt tối thiểu 85%,...
         Đồng thời, Kế hoạch cũng đề ra các nhiệm vụ và giải pháp gồm: Rà soát, đánh giá và xây dựng, hoàn thiện thể chế, hệ thống các văn bản pháp luật của tỉnh liên quan đến việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; Nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống công nghệ thông tin; Đổi mới tổ chức, hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã và nâng cao hiệu quả công tác giải quyêt hồ sơ thủ tục hành chính; Số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. /.
 

Nguồn tin: Bình Phương